Hiện nay, mô hình trồng cây tre tứ quý để lấy măng thương phẩm thích hợp cho nông dân chuyển đổi sản xuất góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tre tứ quý là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả các vùng đất bạc màu không thể canh tác được nhiều cây trồng khác.
Dưới dây xin giới thiệu hiệu quả mô hình trồng tre tứ quý lấy măng và kỹ thuật trồng.
Mô hình trông tre tứ quý lấy măng hiệu quả:
Tại Ninh Thuận, nông dân Nguyễn Cao Anh Kiệt, trồng tre tứ quý lấy măng thu nhập hàng trăm triệu/ năm.
Đầu năm 2022, anh Nguyễn Cao Anh Kiệt ở xã Hòa Sơn chi 3 triệu đồng để mua 50 cây giống tre tứ quý (50.000 đồng/cây) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) do một cơ sở tại huyện Ninh Sơn bán, đem về trồng thử nghiệm trên diện tích một sào (1.000m2) mà trước đó anh đã từng trồng cây mì nhưng năng suất kém.
Đến đầu năm 2023, vườn tre bắt đầu cho thu hoạch những búp măng tươi mọc dưới gốc cây tre “mẹ”. Từ đó đến nay, anh Kiệt thu hoạch và bán măng tươi quanh năm với giá từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg (vào mùa mưa), còn vào mùa trái vụ (từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau) thì giá bán tăng lên từ 40.000 đến 55.000 đồng/kg, thu nhập hàng trăm triệu đồng/1.000m2/năm, tăng gấp đôi thu nhập so với trồng các loại cây khác trên cùng diện tích.
Tại Cần Thơ, nông dân Nguyễn Văn Cua, phường Tân Phú tại quận Cái Răng, thu nhập hàng trăm triệu/năm từ măng tre tứ quý.
Với ưu điểm "ít chi phí nhưng dễ trồng, dễ bán", cây tre tứ quý đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ). Ông Nguyễn Văn Cua, phường Tân Phú được biết đến là người đầu tiên trồng cây tre tứ quý ở vùng đất này. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, ông nhân giống, trồng với diện tích 6.000m2.
Theo đó, tre được lão nông Nguyễn Văn Cua trồng theo mật độ 2,5 m/bụi, mỗi bụi chừa khoảng 5 hoặc 6 cây tre mẹ. Từ lúc trồng đến lúc tre cho măng khoảng 8 tháng. Người trồng tre tứ quý không để tre mọc nhiều mà giới hạn số lượng tre mẹ trong từng bụi. Mỗi năm, tre già sẽ được đốn bán để gốc được trống, giúp tre tơ lớn nhanh, cho măng nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Cua, trọng lượng măng tre tứ quý dao động từ 1,2 đến hơn 2 kg/mụt măng. Giá bán mùa thuận chỉ 15.000 đồng/kg nhưng mùa nghịch (từ tháng 11 - tháng 5) lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Hiện nay, ngoài 6.000 m2 trồng tre tứ quý tại Tân Phú, ông Nguyễn Văn Cua còn mua thêm đất và thuê đất để trồng tre tứ quý với diện tích khoảng 14.000 m2 giao cho các con quản lý, chăm sóc, thu hoạch. Với 2 ha trồng tre tứ quý, mỗi năm gia đình ông Cua "thu về" trên 1 tỷ đồng.
Kỹ thuật trồng tre tứ quý lấy măng:
Cây tre Tứ Quý có nguồn gốc từ Đài Loan, đây là giống tre cho măng quanh năm, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây nước ta. Măng tre tứ quý có vị ngọt, giòn, măng to nên được nhiều người ưa chuộng, mang lại công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Nếu trồng đúng kỹ thuật cây sẽ cho măng chỉ sau hơn 8 tháng và sản lượng tăng dần theo các năm, mỗi bụi tre có thể cho 10 cây măng/tháng, mỗi cây măng đạt trọng lượng từ 1,5-1,7kg.
Cách trồng tre Tứ Quý lấy măng:
Việc trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao chỉ cần cách 2 tháng bón phân 1 lần, mùa nắng cách ngày tưới nước 1 lần vào buổi chiều. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Đất trồng:
Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10-15kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ…) cộng với 0,5-1kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố.
Tùy loại đất mà tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau như: 2,5 x 3 m, 3 x 3m, 4 x 4m, 4,5 x 4,5m và 5 x 5m.
Chọn giống và trồng tre:
Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7-8 tháng tuổi để làm giống.
Sau khi chuẩn bị đất trồng và giống xong đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 45 độ (nếu là hom gốc), dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.
Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữ ẩm vào mùa khô.
Chăm sóc:
Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15-20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch. Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại.
Thu hoạch:
Nếu chăm sóc tốt, cây tre tứ quý sẽ cho thu hoạch măng sau khoảng từ 8 tháng đến 1 năm. Sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.